Địa ốc khu Tây TP HCM ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ đầu năm, kéo theo tiềm năng phát triển cho các khu vực lân cận, như Bến Lức, Long An.
Khu Tây TP HCM, bao gồm các quận Bình Tân, Tân Phú, 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, đón nhiều tín hiệu thị trường tích cực từ đầu năm. Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM công bố, trong 4 tháng, đơn vị này xử lý hơn 120.000 hồ sơ giao dịch nhà đất, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Trong đó các quận huyện khu Tây có thanh khoản tích cực hơn hẳn.
Dữ liệu nghiên cứu thị trường của Batdongsan 4 tháng đầu năm cũng cho thấy những địa phương có lượt tìm kiếm nhà đất nhiều nhất TP HCM thời gian qua đang tập trung về khu Tây và khu Đông. Nhiều quận huyện khu Tây ghi nhận số lượng tìm kiếm bất động sản tăng mạnh như Bình Tân (tăng 69%), quận 12 và Tân Phú (tăng 77%), Bình Chánh (tăng 71%). Theo đánh giá của Batdongsan, đây cũng là những khu vực ghi nhận mức độ quan tâm tăng mạnh nhất TP HCM thời gian qua.
Không phải chỉ mới năm nay, hai năm gần nhất, thị trường khu Tây cũng thu hút sự quan tâm của người mua. Theo lý giải của các chuyên gia bất động sản, khu này có phân khúc chủ yếu là nhà ở vừa túi tiền, nên thu hút đông người mua ở thực. Ngoài ra, đây là nơi tập trung nhiều các nhà xưởng, khu công nghiệp nên kéo theo nhu cầu về chỗ ở. Quỹ đất ở còn nhiều cũng giúp dư địa tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua số dự án mới ra mắt ở khu Tây TP HCM không nhiều. Nhiều người mua bắt đầu dành sự quan tâm cho khu vực lân cận.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, nhà đất Long An luôn có khả năng đáp ứng nhu cầu của nhóm mua ở thực và đầu tư với dòng tài chính vừa phải. Đây là nhóm chiếm sức mua chủ lực của thị trường bất động sản giai đoạn này.
Khu vực Bến Lức, Long An có nhiều lợi thế để thu hút dòng tiền đổ vào bất động sản. Đầu tiên là yếu tố hạ tầng kết nối với khu Tây TP HCM. Gần đây, Long An đang tích cực đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đón đầu xu hướng giãn dân từ TP HCM.
Dự án hạ tầng giao thông nổi bật là cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 58 km, dự kiến quý 1/2025 sẽ thông xe 21 km đoạn từ TP HCM đi Long An. Ngoài ra, bốn trong sáu trục động lực kinh tế của Long An đều đi qua khu vực Bến Lức. Cụ thể, đường Vành đai 3, Vành đai 4 có vai trò liên kết vùng đang được đẩy nhanh triển khai. Trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh kết nối cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng Đức Hòa, Bến Lức với TP HCM. Cuối tháng 4 vừa qua, đường Lương Hòa – Bình Chánh đã khởi công, dài 4,5 km, lộ giới 60 m. Đây là thành phần quan trọng của trục Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh, nối trực tiếp với Bình Chánh, rút ngắn thời gian di chuyển đến TP HCM còn 5 phút.
Địa ốc còn hưởng lợi từ quy hoạch kinh tế của tỉnh. Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Long An sẽ có 51 khu công nghiệp, tổng diện tích là 12.433 ha. 28 cụm công nghiệp quy hoạch mới với tổng diện tích là 1.808 ha nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn lên 72 với tổng diện tích là 3.989 ha. Bến Lức sẽ là đô thị vệ tinh của TP HCM, đóng vai trò quan trọng trong xu hướng phát triển của bất động sản.